"Của chuột và người" - Mọi biến cố đều nằm ngoài dự tính

Là cuốn sách góp phần giúp John Steinbeck đoạt giải Nobel Văn học 1962 nhưng “Của chuột và người” (1937) không hề khó đọc: sách dày chưa đến 200 trang, cốt truyện rõ ràng, chặt chẽ, ngôn ngữ giản dị, nhân vật rõ nét. 

⭐️ Goodreads chấm: 3.88/5
⭐️ Quest chấm: 4.5/5


Link mua sách 

Câu chuyện trong “Của chuột và người” tròn trịa, không khó đọc nhưng để hiểu lớp lớp tầng tầng ý nghĩa trong đó, bạn nên cứ chậm rãi vừa đọc, vừa dừng lại, ngẫm nghĩ và cảm thông. 
George Milton và Lennie Small, hai người lao động ít học, nghèo khổ, cùng mang một giấc mơ mà họ đã kể tới thuộc lòng: sở hữu một nông trại riêng, trồng rau, nuôi thỏ, nuôi gà.  
Một Lennie to xác, khù khờ, tính cách như một đứa trẻ. 
Một George Milton nhỏ bé, khôn ngoan, nhanh nhẹn. 
Dù George hay tỏ vẻ thô lỗ, cộc cằn với Lennie, luôn miệng nói: "nếu tao một thân một mình thì đã dễ sống biết mấy.... Vậy mà tao có cái gì, có mày!”; nhưng cũng chính anh là người bảo vệ Lennie. 
George và Lennie, nghèo khó nhưng có nhau: "Vì tui có anh lo cho tui, còn anh có tui lo cho anh, vậy đó.” 
Từ chuyến đi tới trang trại mới nhận việc của hai nhân vật chính, John Steinbeck bắt đầu mở ra cả một bức tranh về tầng lớp làm công thấp bé trong xã hội bất công ở Mỹ. 

Số phận người lao động thấp cổ bé họng
Lấy bối cảnh thời kỳ Đại khủng hoảng 1929, Steinbeck đã khắc họa cuộc sống của tầng lớp lao động lúc bấy giờ: 
Họ không tương lai. 
Họ tồn tại chứ không sống: tới nông trại làm việc để có vốn, rồi ra phố tiêu hết sạch, rồi lại làm quần quật ở nông trại khác, cứ một vòng luẩn quẩn như vậy. 
Họ không có gia đình, không có một nơi để thuộc về, không có người để sẻ chia,... 
Khi bị khinh miệt, họ thu nhỏ mình thành số không: không cá tính, không bản ngã... không chút gì để gợi lên yêu hay ghét. 

Nhưng họ có ước mơ. 
Nhiều người mơ có mảnh đất riêng: "Tao đã thấy cả trăm thằng ở ngoài đường và trong các trại, với tay nải trên lưng và cũng cái ý khốn khổ đó trong đầu... Thằng khốn nào cũng có miếng đất nhỏ trong đầu...". 
Có người mơ tuổi già được sống yên ổn và c.h.ế.t tươm tất. 
Có người ước được đối xử như một con người…
Những ước mơ đó là tia hy vọng nhỏ nhoi trong cuộc đời nghèo khó, là liều thuốc an thần giúp họ lê lết sống ngày này qua tháng nọ. 

Vì sao lại là “Của chuột và người”?  
Đó là điều mình thắc mắc sau khi khép lại cuốn sách này. 
Trong truyện, tác giả có nhắc tới hình ảnh chú chuột: Lennie ám ảnh với những thứ mềm mượt, nhiều lông, trong đó có chuột. Nhưng vì quá khỏe, Lennie vô tình làm chúng chết, như George có nói: “Vấn đề với những con chuột là mày luôn làm chết chúng”. 

Nhưng sâu xa hơn, cái tên được nhà phát hành Tao Đàn lý giải là do John Steinbeck lấy cảm hứng từ đoạn thơ dưới đây, như ngầm nói: “mọi biến cố trong câu chuyện đều nằm ngoài dự tính của người trong cuộc, không thể đổ tại ai mà tất yếu phải xảy ra”:
"The best laid plans of mice and men
Go often askew,
And leave us nothing but grief and pain,
For promised joy!"
(Trích "To A Mouse" của Robert Burns)

Rốt cuộc, chuột và người cũng chẳng khác nhau là bao…
 

← Bài trước Bài sau →